Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, lễ kỷ niệm 110 năm Du lịch Sa Pa (1903-2013) sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức từ ngày 15/10 đến hết ngày 3/11, dự kiến thu hút hàng vạn lượt du khách....
Ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Pa (Lào Cai) cho biết, lễ kỷ niệm 110 năm Du lịch Sa Pa (1903-2013) sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức từ ngày 15/10 đến hết ngày 3/11, dự kiến thu hút hàng vạn lượt du khách .
Trong đó, tâm điểm các hoạt động tập trung trong 3 ngày, từ ngày 1-3/11, tại Trung tâm thị trấn Sa Pa, vườn Quốc gia Hoàng Liên và các xã có điểm du lịch như Tả Van, Tả Phìn, Sa Pả, San Sả Hồ, Lao Chải…
Đây là dịp để Sa Pa "sốc" lại các dịch vụ phục vụ du lịch, lấy đó làm mốc thời gian để nâng cao chất lượng phục vụ du khách tốt hơn.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 9, huyện Sa Pa đã thành lập đội liên ngành nghiêm túc kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá dịch vụ ; thiết lập đường dây nóng giúp du khách có thể gọi nếu thấy khách sạn, nhà hàng nào tự ý tăng giá để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.
Ngoài ra, vào dịp cao điểm, mỗi tuần một lần, đội liên ngành kiểm tra hầu hết các cơ sở lưu trú về vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết ; trong đó, có một đội chuyên kiểm tra về giá dịch vụ. /span>
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn nghỉ, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định, trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh .
Hiện một số phương tiện vận tải của thành phố Lào Cai mở tuyến đến Sa Pa chưa thực hiện tốt các quy định đưa đón khách đúng nơi quy định, huyện Sa Pa yêu cầu các ngành của tỉnh cho phép kiểm tra các phương tiện, nếu đủ điều kiện sẽ cho gắn biển để khách du lịch dễ dàng lựa chọn phương tiện có dịch vụ chất lượng, tiến tới hạn chế “xe dù”, “cò mồi”, “chặt chém” du khách.
Ủy ban nhân dân dân huyện Sa Pa có chính sách phát triển khu du lịch văn minh “không bán hàng rong, không chèo kéo du khách” . Theo đó, Sa Pa đã xây dựng và đang hoàn thiện Chợ Văn hóa trung tâm thị trấn, khuyến khích người dân địa phương bày bán các sản phẩm thổ cẩm truyền thống và đặc sản địa phương .
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân dân huyện thành lập một số câu lạc bộ thổ cẩm tại các điểm du lịch vệ tinh như xã Tả Phìn, Thanh Kim, Thanh Phú, những sản phẩm thủ công sẽ được gửi tại câu lạc bộ để bán cho khách du lịch.
Để tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ, nhiều điểm bán hàng được bố trí tại nơi dừng chân, bãi đỗ xe, hướng dẫn viên du lịch có trách nhiệm hướng dẫn du khách mua hàng tại những địa điểm này.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Sa Pa có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch nhưng con số gần 70 vạn lượt khách mỗi năm còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Vấn đề đặt ra với Sa Pa đó là, phát triển du lịch gắn với thương mại, khuyến khích khách du lịch mua sắm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Để giữ chân du khách lâu hơn, Sa Pa có chủ trương thành lập tuyến phố đi bộ, phát triển dịch vụ thương mại, thu hút khách đến tham quan, mua sắm. Theo đó, Trung tâm thương mại Chợ Văn hóa trung tâm thị trấn sẽ đi vào hoạt động trong tháng 10/2013, hứa hẹn là nơi tiêu thụ các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của đồng bào dân tộc cũng như đặc sản rau, hoa, ẩm thực của địa phương.
Sa Pa đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh một khu du lịch thân thiện, văn minh, hướng tới phát triển du lịch chất lượng cao với cơ sở vật chất hiện đại, dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống cao cấp, có địa điểm vui chơi giải trí.
Đồng thời, Sa Pa sẽ chú trọng đầu tư phát triển hình thức du lịch cộng đồng đang hấp dẫn du khách nước ngoài, qua đó góp phần tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp, thổ cẩm của người dân địa phương.
Cũng theo lãnh đạo huyện Sa Pa, để phát triển bền vững, về lâu dài Sa Pa rất cần có sự quan tâm đầu tư từ phía Trung ương và doanh nghiệp, nhất là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ trong thời gian tới.